Nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ lớn
ngang với Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 20501. Trong
thập kỷ tới, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc có thể sẽ duy trì trên 4%. Khi thị
trường tài chính Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài, cơ hội tiếp cận thị
trường cho các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ngày càng mở rộng. Mặc dù còn nhiều
vấn đề bao gồm cơ sở hạ tầng giao dịch, thanh toán bù trừ và thanh toán còn
chưa thực sự tương thích với hệ thống trên toàn cầu, tình trạng rủi ro ngoại hối
trong bối cảnh chưa có nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro... Tuy nhiên, những vấn
đề này thường được bù đắp bằng cơ hội tiếp cận nhiều loại chứng khoán và sản phẩm
đầu tư đa dạng.
1. Nhà ĐTNN TRÊN
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TRUNG QUỐC
1.1. Đổi mới chính sách
Chương trình Nhà đầu tư Tổ chức Nước
ngoài Đủ điều kiện (The Qualified Foreign Institutional Investor program- QFII)
được thành lập vào năm 2002 để cung cấp cho các nhà ĐTNN được lựa chọn đáp ứng
các tiêu chí cụ thể để đầu tư vào các cổ phiếu nội địa của Trung Quốc bằng đồng
Nhân dân tệ (CNY), được gọi là cổ phiếu A. Các tổ chức nhà ĐTNN (foreign
institutional investors- FII) trước tiên phải đủ điều kiện là QFII được Ủy ban
Giám quản Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) chấp thuận và sau đó có được Cục Quản
lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) phân bổ một số lượng hạn ngạch cho đầu tư. Tổng hạn
ngạch đầu tư ban đầu phân bổ cho các QFII là 4 tỷ USD, sau đó được tăng lên 10
tỷ USD vào năm 2005, 30 tỷ USD năm 2007, 80 tỷ USD vào năm 2012, 150 tỷ USD vào
năm 2013 và 300 tỷ USD vào năm 2019.
Năm 2009, Trung Quốc quyết định thúc đẩy
quốc tế hóa đồng CNY. Chương trình Nhà đầu tư CNY Tổ chức Nước ngoài Đủ điều kiện
(Renminbi Qualified Foreign Institutional Investor- RQFII) đầu tiên đã được triển
khai tại Hồng Kông vào tháng 12/2011, theo đó cho phép FII đầu tư vào Trung Quốc
bằng đồng CNY ở nước ngoài (còn được gọi là “CNH”). Sự khác biệt cơ bản giữa giữa
chương trình QFII và chương trình RQFII là RQFII sẽ sử dụng CNY nước ngoài hoặc
CNH thay vì CNY hoặc CNY nội địa để đầu tư vào Trung Quốc, và RQFII phải được đặt
ở một trong các khu vực pháp lý được chỉ định cho RQFII với hạn ngạch được phân
bổ cho RQFII. Có những khác biệt khác giữa hai chương trình này mà Trung Quốc
đã cố gắng điều chỉnh trong những năm gần đây và cuối cùng đã loại bỏ vào năm
2020. Hạn ngạch ban đầu cho chương trình RQFII ở Hồng Kông là 20 tỷ CNY, đã được
tăng lên 70 tỷ CNY vào tháng 4/2012, 270 tỷ CNY vào tháng 11/2012 và 500 tỷ CNY
vào năm 2017. Kế hoạch RQFII sau đó đã được mở rộng sang London (Anh) và
Singapore vào năm 2013, và đến nhiều thành phố/quốc gia hơn sau đó. Tính đến
tháng 5/2020, 19 quốc gia hoặc khu vực pháp lý đã được cấp hạn ngạch RQFII với
tổng số 1,940 tỷ CNY.
Mọi hạn ngạch đối với cả hai chương trình
QFII và RQFII đều đã được loại bỏ từ ngày 6/6/2020 theo Quy định về Quỹ đầu tư
chứng khoán và hợp đồng tương lai của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (Quy định
quản lý vốn QFI mới) do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và SAFE ban hành
vào ngày 7/5/2020. Các chương trình QFII và RQFII cũng chính thức được hợp nhất
thành một nhà ĐTNN Đủ điều kiện (QFI) đáp ứng các tiêu chuẩn của CSRC. Quy định
về đầu tư của các nhà ĐTNN đủ điều kiện và các quy định về việc thực hiện Quy định
QFI mới đã được ban hành vào tháng 9/2020. Theo đề xuất, Quy định QFI mới hợp nhất tập hợp các quy
định tách biệt cho các chương trình QFII và RQFII, theo đó các FII đủ điều kiện
có thể lựa chọn trở thành QFI và đầu tư bằng CNY mà không có bất kỳ giới hạn
nào về hạn ngạch. Kể từ tháng 11/2020, CSRC đã cấp giấy phép cho tổng cộng 535
QFI (bao gồm cả QFII và RQFII).
Trước tháng 11/2020, chỉ những người quản
lý tài sản, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và các loại FII
khác như quỹ hưu trí, quỹ từ thiện, quỹ tài trợ, công ty ủy thác, các tổ chức
quản lý đầu tư của chính phủ, với một lượng tài sản được quản lý (AUM) và số
năm hoạt động nhất định mới đủ điều kiện để đăng ký giấy phép QFII hoặc RQFII.
Quy định QFI mới về cơ bản đã nới lỏng các điều kiện này.
Chính phủ Trung Quốc cải thiện khả năng
tiếp cận thị trường với thế giới bên ngoài vì hai lý do. Đầu tiên là nhằm mục
đích thu hút thêm vốn nước ngoài, trong bối cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai cơ
cấu trong dài hạn, làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng trong nước,
tăng hiệu quả phân bổ vốn tổng thể. Lý do thứ hai là thúc đẩy việc sử dụng đồng
CNY trên phạm vi quốc tế. Điều này đã khiến dòng vốn ĐTNN vào Trung Quốc tăng mạnh.
Trong hai năm, từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2020, tổng ĐTNN vào cổ phiếu và trái
phiếu trong nước của Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên 837 tỷ USD.
1.2. Khả năng thu hút nhà ĐTNN
Thị trường trái phiếu Trung Quốc có quy
mô đứng thứ hai chỉ sau thị trường Mỹ, với số lượng trái phiếu danh nghĩa đang
lưu hành khoảng 17,5 nghìn tỷ USD, quy mô thị trường thứ cấp đạt 36 nghìn tỷ
USD vào năm 2020, thanh khoản khá cao. Trái phiếu chính quyền địa phương và
trái phiếu doanh nghiệp chiếm 23%, Trái phiếu Chính phủ chiếm 17%, ngân hàng
chính sách là 16%. Khả năng tiếp cận đối với các nhà ĐTNN đã được cải thiện rõ
rệt nhờ sự ra đời của các đề án Thị trường Trái phiếu Liên ngân hàng Trực tiếp
Trung Quốc năm 2016 và Kết nối Trái phiếu năm 2017 (China Interbank Bond Market
Direct 2016 and the Bond Connect 2017), theo đó cho phép nhà ĐTNN giao dịch
trái phiếu Trung Quốc trực tiếp với tổ chức thanh toán địa phương hoặc tại Hồng
Kông. Vào năm 2020, số lượng nhà ĐTNN được chấp thuận tham gia đề án Bond
Connect tăng 47% lên 2.352 tổ chức, trong khi doanh thu trung bình hàng ngày
tăng 85% (xem Hình 1).
Sức hút của thị trường Cổ phiếu A
(A-share), cùng với thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu
trong nước cũng trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các nhà ĐTNN. Việc loại bỏ hạn
ngạch nhà đầu tư tổ chức, cơ hội mới để đầu tư vào cổ phiếu niêm yết trong nước
thông qua thị trường Hồng Kông và việc dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tiếp cận
thị trường phái sinh trong nước đều đã thúc đẩy sự quan tâm của khối ngoại đối
với thị trường A-share. Việc đưa cổ phiếu A niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến
vào các chỉ số chứng khoán toàn cầu giúp tăng cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu địa
phương và ngày càng thu hút sự quan tâm của nước ngoài. Trong 5 năm qua, mối
tương quan giữa cổ phiếu A của Trung Quốc với TTCK toàn cầu là 46% (xem Hình
2), cao hơn cổ phiếu thị trường mới nổi 66% do tỷ trọng lớn của Trung Quốc
trong chỉ số MSCI. Tuy nhiên, quy mô TTCK Trung Quốc vẫn còn nhỏ khi tỷ trọng tổng
tiết kiệm chỉ ở mức 35%, và một khi đà tăng giá bắt đầu hình thành, dòng vốn
trong nước có thể lấn át thị trường. Các thị trường mới nổi và phát triển khác
có tỷ lệ vốn hóa thị trường/ M2 trung bình tương ứng là 120% và 95%. Việc tự do
hóa kinh tế và mở cửa TTCK cho các nhà ĐTNN sẽ giúp tăng tỷ lệ này cho thị trường
A-share.
2. VIỆT NAM THU
HÚT nhà ĐTNN TRÊN TTCK
2.1. Về cơ chế chính sách
Văn bản pháp lý đầu tiên về tỷ lệ sở hữu
nhà ĐTNN với cổ phiếu niêm yết tại Quyết định 139/1999/QĐ-TTg, tiếp đến là
Thông tư số 01/1999/TT-UBCK ngày 30/12/1999 cho phép nhà ĐTNN mua không quá 20%
tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức phát hành, chứng chỉ quỹ đầu tư
của một quỹ đầu tư chứng khoán và tỷ lệ này với trái phiếu là 40%. Trong đó, mỗi
tổ chức nước ngoài được mua không quá 7% cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu
là 10%; Nhà đầu tư cá nhân được mua không quá 3% cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và
trái phiếu là 5%... Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, giúp TTCK phát
huy tốt vai trò, ngày 11/3/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
36/2003/QĐ-TTg (Quyết định 36) về quy chế góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN
trong các doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định
146/2003/QĐ-TTg ngày 17/7/2003 nâng tỷ lệ sở hữu của Nhà ĐTNN từ 20% lên 30%
trong các doanh nghiệp niêm yết; Một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hay cá nhân
nước ngoài được mua không quá 30% vốn điều lệ (thay vì chỉ được nắm giữ tối đa
7% (đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài) hay 3% (đối với nhà đầu tư cá nhân
nước ngoài) tại Quyết định 139/1999/QĐ-TTg). Tỷ lệ góp vốn của tổ chức kinh
doanh chứng khoán nước ngoài trong công ty chứng khoán (CTCK) liên doanh hoặc
công ty quản lý quỹ (CTQLQ) liên doanh từ 30% lên tối đa 49% vốn điều lệ; Dỡ bỏ
hoàn toàn giới hạn về tỷ lệ nắm giữ trái phiếu lưu hành trên TTCK Việt Nam của
các tổ chức, cá nhân nước ngoài… Đối với các doanh nghiệp cổ phần khác của Việt
Nam (không phải DNNY) vẫn ở mức 30% theo Quyết định 36. Quyết định này tạo bước
đột phá mới cho sự phát triển của TTCK Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh tiến trình
cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Để mở rộng điều kiện đầu tư cho nhà ĐTNN
tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam, ngày 15/04/2009, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định 55/2009/QĐ-TTg (Quyết định 55) thay thế Quyết định
238/2005/QĐ-TTg quy định cụ thể hơn về tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN trên TTCK. Cụ
thể: (i). Đối với cổ phiếu: Tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại
chúng không phân biệt là công ty đã niêm yết hay chưa niêm yết. Trong trường hợp
pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật
chuyên ngành. Trong trường hợp tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN được phân loại theo
danh mục cụ thể thì áp dụng theo danh mục phân loại; (ii). Đối với chứng chỉ Quỹ
Đầu tư đại chúng: Mức quy định tối đa 49% tổng số chứng chỉ quỹ đầu tư của một
quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng. Đối với công ty đầu tư chứng khoán: Mức quy định
tối đa 49% vốn điều lệ của một CTCK đại chúng. Đối với trái phiếu: Tổ chức phát
hành có thể quy định giới hạn tỷ lệ nắm giữ đối với trái phiếu lưu hành của tổ
chức phát hành; (iii). Đối với việc thành lập CTCK và CTQLQ, mặc dù vẫn giữ tỷ
lệ góp vốn của nước ngoài là 49% vốn điều lệ, tuy nhiên bổ sung thêm điều kiện
chặt chẽ hơn đối với việc tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được góp vốn
thành lập CTCK, CTQLQ tại Việt Nam…
Cùng với sự phát triển của TTCK, các quy
định tại Quyết định 55 đặt ra rào cản trong việc huy động vốn và CPH DNNN, hạn
chế trong tuân thủ những thông lệ tài chính quốc tế của Việt Nam. Ngày
26/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Chứng khoán và Thông tư 123/2015/TT-BTC ngày 19/8/2015 hướng dẫn hoạt
động ĐTNN trên TTCK Việt Nam. Cụ thể, về “tỷ lệ sở hữu nhà ĐTNN trên TTCK Việt
Nam”: (a). Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng (CTĐC): Trường hợp điều
ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài,
thì thực hiện theo điều ước quốc tế; Trường hợp CTĐC hoạt động trong ngành, nghề
đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ
lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó; Trường hợp
CTĐC hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với
nhà ĐTNN mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước
ngoài tối đa là 49%...; (b). Đối với DNNN thực hiện CPH theo hình thức chào bán
chứng khoán ra công chúng: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp
luật về CPH. Trường hợp pháp luật về CPH không có quy định, tỷ lệ này thực hiện
theo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại CTĐC; (c). Việc đầu tư vào trái
phiếu của nhà ĐTNN: Nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ,
trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu
doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật có liên quan hoặc tổ chức phát hành có
quy định khác. Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, tổ chức phát hành phải
bảo đảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi đến hạn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc đến
thời hạn mua cổ phiếu; (d). Nhà ĐTNN được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ Quỹ
Đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có
quyền biểu quyết của CTĐC, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường
hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác. Ngoại trừ quỹ mở, Quỹ Đầu
tư chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt 51% trở lên, thực hiện điều kiện
và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà ĐTNN khi góp vốn, mua chứng khoán,
phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
2.2. Thực tế giao dịch của nhà ĐTNN
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán
Việt Nam (VSD) cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011 - 5/2021, số lượng nhà
ĐTNN cá nhân và tổ chức tham gia vào TTCK có sự gia tăng qua các năm (xem
Hình 3).
Cùng với sự gia tăng về số lượng tài khoản,
tỷ trọng giao dịch của nhà ĐTNN tại các thị trường cổ phiếu tại các Sở giao dịch
chứng khoán cũng tăng khá đều (xem Hình 4).
Giá trị giao dịch của nhà ĐTNN đạt đỉnh
vào năm 2018 với tổng giá trị toàn thị trường đạt hơn 496 nghìn tỷ đồng.
3. MỘT SỐ NHẬN
XÉT
Khả năng tiếp cận TTCK Trung Quốc được cải
thiện giúp tăng cơ hội đầu tư vào thị trường này trong thời gian tới. Cụ thể,
thị trường trái phiếu và cổ phiếu có khả năng phát triển nhanh hơn nền kinh tế
khi Trung Quốc tiếp tục tự do hóa nền kinh tế và hội nhập sâu vào thị trường
tài chính thế giới, theo đó mức độ sở hữu nước ngoài sẽ tăng dần, phù hợp với
việc khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện và các nhà cung cấp chỉ số
toàn cầu nâng tỷ trọng của thị trường nội địa Trung Quốc trong chỉ số vốn chủ sở
hữu và trái phiếu. Sự hấp dẫn của thị trường trái phiếu trong nước Trung Quốc nằm
ở mức lợi suất cao hơn kết hợp với lạm phát và rủi ro chính sách tiền tệ thấp
hơn so với các thị trường phát triển.
Đối với thị trường cổ phiếu, về mặt chiến
lược, tỷ trọng của Trung Quốc cần chiếm khoảng 5% trong chỉ số MSCI World. Thị
trường tăng trưởng cao thu hút hiệu quả dòng vốn ĐTNN, cùng với đó tỷ lệ sở hữu
nước ngoài cổ phiếu A được giới hạn ở mức 30%, nhưng chỉ có 9 cổ phiếu có tỷ lệ
sở hữu nước ngoài trên 24% (tính đến tháng 2/2021) (xem Hình 5).
Tại Việt Nam, sau khủng hoảng tài chính
năm 2008, sự tham gia của Nhà ĐTNN liên tục sụt giảm cả về giá trị giao dịch và
thị phần trên thị trường trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2011, nhà ĐTNN
bắt đầu tham gia trở lại trên thị trường thứ cấp, khi giá trị giao dịch của nhà
ĐTNN liên tục tăng qua các năm nhưng chủ yếu giao dịch Outright, tỷ trọng giao
dịch Repo chỉ chiếm từ 0,05% - 4% giá trị giao dịch Repo toàn thị trường (xem
Hình 6).
Trên thị trường cổ phiếu, kể từ điểm đỉnh
năm 2018, có thể nhận thấy nhà ĐTNN đã liên tục bán ròng trên thị trường cổ phiếu.
Đặc biệt, giá trị bán ròng trong những tháng đầu năm 2021 lớn về giá trị tuyệt
đối, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng tới diễn biến thị trường không lớn do khi
so tỷ lệ giá trị mua bán/giá trị giao dịch khớp lệnh ở mức thấp, tỷ lệ giá trị
bán chỉ còn chiểm tỷ trọng 8,5%, thấp hơn nhiều so với mức 11,8% của năm
2019 và 10,6% của năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đề ra tại Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030 về tốc độ tăng trưởng tổng sản
phẩm trong nước (GDP) bình quân đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030.
Do đó, với triển vọng giữ vững tăng trưởng, TTCK Việt Nam cần phải có bước đi,
lộ trình phù hợp để đạt kỳ vọng tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của
TTCK. Thực tế này đòi hỏi bên cạnh các chính sách, giải pháp phù hợp để thu hút
Nhà ĐTNN một cách bền vững, cần có cơ chế khuyến khích các công ty tự hoàn thiện,
đáp ứng các tiêu chí chọn lọc của chỉ số quốc tế MSCI, Dow Jones Sustainability
Index và Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ASEAN Corporate Governance
Scorecard)… Bên cạnh đó, việc cho phép doanh nghiệp trong nước niêm yết chéo
trên TTCK nước ngoài cũng có thể là một giải pháp kỹ thuật giúp thu hút thêm
dòng vốn ĐTNN, theo đó thúc đẩy hoạt động niêm yết chéo sang các thị trường nước
ngoài để gián tiếp thu hút đầu tư.