Thông tư số 134/2017/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch
điện tử trên thị trường chứng khoán (TTCK) được Bộ Tài chính ban hành ngày
19/12/2017 đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc quản lý, giám
sát các hoạt động giao dịch điện tử trên TTCK như: yêu cầu về dịch vụ, hạ tầng
kỹ thuật, an ninh bảo mật và lưu trữ dữ liệu; yêu cầu về đăng ký, thu hồi chấp
thuận cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; yêu cầu về báo cáo và
công bố thông tin trong hoạt động giao dịch chứng khoán trực tuyến; quy định về
các hoạt động trao đổi thông tin điện tử,... áp dụng cho các tổ chức kinh doanh
chứng khoán thực hiện cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến tới nhà
đầu tư được đồng bộ, hoạt động an toàn, công bằng, công khai, minh bạch và hiệu
quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá
trình triển khai Thông tư số 134/2017/TT-BTC cũng phát sinh một số vướng mắc được
phản ánh từ thực tế thị trường, liên quan đến vấn đề xác thực danh tính nhà đầu
tư khi đặt lệnh giao dịch trực tuyến và một số vấn đề kỹ thuật khác cần được điều
chỉnh, hướng dẫn làm rõ để các thành viên thị trường áp dụng.
Ngày 07/8/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số
73/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 134/2017/TT-BTC hướng
dẫn giao dịch điện tử trên TTCK. Thông tư 73/2020/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày
01/10/2020, sẽ giải quyết các vướng mắc phát sinh của Thông tư 134/2017/TT-BTC,
đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm thực hiện có hiệu quả hoạt động giao dịch
điện tử trên TTCK.
Về căn cứ pháp lý: Ngày 24/12/2018 Chính phủ đã ban
hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động
tài chính thay thế Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 và Nghị định số
156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động
tài chính. Nghị định mới có nhiều nội dung thay đổi nhằm đảm bảo tính thống nhất
trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử, giải quyết tối
đa vướng mắc, khó khăn của các đối tượng tham gia giao dịch điện tử đồng thời đảm
bảo an toàn cho giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Vì vậy, Thông tư số
73/2020/TT-BTC được ban hành căn cứ theo Nghị định số 165/2018/NĐ-CP để đảm bảo
chặt chẽ về pháp lý và hiệu lực thi hành.
Về xác thực đặt lệnh, một số công ty chứng khoán
(CTCK) và nhà đầu tư cho rằng Thông tư số 134/2017/TT-BTC quy định về xác thực
đặt lệnh qua Internet, qua điện thoại (Điều 8); nhà đầu tư phải xác thực từng lệnh
khi giao dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ, thời gian đặt lệnh, giảm sự thuận tiện
khi thực hiện giao dịch và giảm thanh khoản của thị trường. Do đó, Thông tư số
73/2020/TT-BTC đã bổ sung điều khoản tháo gỡ các vướng mắc hiện nay của các
CTCK và nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến. Cụ thể, khoản
14 Điều 3 định nghĩa “Lần thực hiện giao dịch là lần nhà đầu tư đăng nhập hệ thống
giao dịch chứng khoán trực tuyến để thực hiện các lệnh giao dịch chứng khoán trực
tuyến” và khoản 4 Điều 8 quy định “Mỗi lần thực hiện giao dịch chứng khoán trực
tuyến, nhà đầu tư phải thực hiện xác thực theo quy định tại Điều này”. Với quy
định như vậy, trong mỗi lần thực hiện giao dịch, nhà đầu tư có thể thực hiện
nhiều lệnh giao dịch; nhà đầu tư phải xác thực khi thực hiện lệnh giao dịch đầu
tiên, không bắt buộc xác thực khi thực hiện các lệnh tiếp theo. Lần giao dịch kết
thúc nếu sau một khoảng thời gian (do hệ thống giao dịch của CTCK thiết lập) mà
nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện lệnh giao dịch.
Về việc lưu thông tin định danh thiết bị đặt lệnh
(khoản 7 Điều 3, khoản 1 và khoản 3 Điều 9): Việc lưu thông tin định danh thiết
bị đặt lệnh là để hỗ trợ công tác kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý trong
việc chống các hành vi giao dịch thao túng, gian lận trên thị trường. Thông tư
điều chỉnh hướng dẫn cụ thể hơn nội dung này, không quy định “cứng” là địa chỉ
vật lý (MAC) mà có thể là các thông tin bất kỳ để có thể xác định được thông
tin định danh thiết bị đặt lệnh. Như vậy, sẽ giúp các tổ chức cung cấp dịch vụ
giao dịch chứng khoán trực tuyến chủ động và thực hiện nội dung này được đơn giản
và phù hợp với tình hình công nghệ của mình.
Về tích hợp giải pháp sử dụng chứng thư số, chữ ký số
trên hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến (điểm đ khoản 1 Điều 6): Nội dung
này tại Thông tư mới đã được sửa đổi để quy định rõ rằng giải pháp sử dụng chứng
thư số, chữ ký số không phải chỉ được cung cấp bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ
chữ ký số công cộng. Các CTCK được lựa chọn các giải pháp của các nhà cung cấp
phần mềm khác hoặc CTCK có thể tự xây dựng và trang bị giải pháp này.
Về hệ thống giao dịch qua điện thoại phải trang bị hệ
thống tổng đài (điểm e, khoản 1, Điều 6): Thông tư 73 đã quy định theo hướng mở
rộng để CTCK được lựa chọn trang bị hệ thống tổng đài hoặc thiết bị có chức
năng ghi âm lưu trữ cuộc gọi, quản lý tra cứu cuộc gọi, đồng thời đáp ứng với
tình hình phát triển công nghệ hiện nay và thực trạng công nghệ tại các CTCK rất
đa dạng.
Quy định về xác thực đặt lệnh qua điện thoại phải
cung cấp thông tin tối thiểu như số tài khoản giao dịch (khoản 2 Điều 8): Một số
CTCK cho rằng quy định cung cấp thông tin tài khoản giao dịch khi đặt lệnh qua
điện thoại là không cần thiết vì hệ thống của CTCK đã có chức năng quản lý
thông tin này, thay vào đó nên bỏ quy định này và để CTCK có thể sử dụng các
thông tin khác để xác thực theo quy định tại Điều 8, Thông tư số
134/2017/TT-BTC. Ngoài ra, nội dung này đã được quy định chi tiết tại khoản 1,
Điều 9 quy định về Phiếu lệnh điện tử.
Những sửa đổi, bổ sung của Thông tư số 73/2020/TT-BTC
ngày 07/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
trong triển khai thực hiện và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm thực hiện
có hiệu quả hoạt động giao dịch điện tử trên TTCK.