Thị
trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang phát triển rất mạnh mẽ với nhiều
doanh nghiệp phát hành tham gia và được các nhà đầu tư quan tâm. Tạp chí Chứng
khoán đã phỏng vấn ông Phan Tùng Lâm - Trưởng phòng cao cấp Kinh doanh sản phẩm
tài chính, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI xung quanh việc quản lý tốt các tổ
chức phát hành TPDN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho các nhà đầu tư trên thị
trường, qua đó hướng thị trường TPDN phát triển bền vững.
Thưa
ông, ông đánh giá như thế nào về sự hấp dẫn của TPDN trong thời gian gần đây?
Theo
thống kê từ báo cáo thị trường TPDN của SSI, thị trường TPDN Việt Nam thời gian
gần đây đạt mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Tổng khối lượng TPDN phát hành
tăng hơn 60% so với 6 tháng đầu năm 2019. Quy mô thị trường trái phiếu cũng
tăng hơn 15% so với cuối năm 2019, đạt mức gần 13% GDP. Một lượng lớn trái phiếu
đã được bán cho nhà đầu tư cá nhân. Xu hướng nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến
TPDN sẽ càng mạnh mẽ hơn khi lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm mạnh.
Thành
ngữ “lợi nhuận đi kèm với rủi ro” luôn được dùng để cảnh báo đối với các nhà đầu
tư trên TTCK, liệu có là ngoại lệ đối với các nhà đầu tư vào TPDN không, thưa
ông? Ông có khuyến nghị gì đến các nhà đầu tư?
Đúng
vậy, lợi nhuận luôn đi cùng với rủi ro ở bất kỳ khoản đầu tư nào. Nhà đầu tư
TPDN trước tiên cần phải hiểu được rủi ro tín dụng, tức là phải đánh giá được
tình hình kinh doanh, năng lực tài chính và khả năng trả được nợ (lãi suất và gốc)
của tổ chức phát hành trái phiếu. Việc này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức
nhất định về lĩnh vực tài chính và phải được tư vấn kỹ càng bởi các nhân viên
bán hàng. Tiếp đến, tính thanh khoản của trái phiếu cũng cần được chú ý. Do khoản
đầu tư trái phiếu thường kéo dài đến vài năm, nhà đầu tư phải cân đối được nhu
cầu thanh toán của họ trước khi quyết định đầu tư.
Với
vai trò là đơn vị tư vấn và phân phối TPDN, các công ty chứng khoán nói chung
và SSI nói riêng đã có những khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp khi thực
hiện phát hành TPDN; cũng như đã thực hiện những giải pháp nào để bảo vệ quyền
lợi cho các khách hàng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đầu tư vào TPDN?
SSI
có rất nhiều kinh nghiệm tư vấn phát hành trái phiếu. Chúng tôi không chỉ tư vấn
giúp doanh nghiệp phát hành tuân thủ các quy định của Nhà nước mà còn hỗ trợ họ
cấu trúc các điều khoản của trái phiếu để phù hợp với tình hình tài chính và dự
phóng kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ am hiểu nhu cầu của khách
hàng, SSI có thể giúp doanh nghiệp phát hành thiết kế trái phiếu đáp ứng được
đúng nhu cầu của nhà đầu tư, qua đó giúp doanh nghiệp có thể phát hành thành
công.
Với
nhà đầu tư nhỏ lẻ, hiện SSI đang triển khai sản phẩm S-bond phục vụ nhà đầu tư
cá nhân. Để giảm thiểu rủi ro tín dụng, SSI sàng lọc rất kỹ các doanh nghiệp
phát hành. Chúng tôi có các tiêu chí, quy trình đánh giá rủi ro chặt chẽ. Chỉ
có những doanh nghiệp tốt thì SSI mới đứng ra tư vấn phát hành trái phiếu. Với
rủi ro thanh khoản, chúng tôi đứng ra thực hiện các giao dịch cả mua và bán với
khối lượng lớn. Nhờ vậy, nhà đầu tư sau khi mua trái phiếu, có thể bán lại cho
chính SSI nếu họ có nhu cầu tiền mặt đột xuất.
Xin
ông đánh giá những tác động của Nghị định 81/2020/NĐ-CP chỉnh sửa, bổ sung một
số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN đối với sự phát triển của
thị trường TPDN?
Các
nhà quản lý đã nhận thấy thị trường TPDN phát triển mạnh và cần quản lý một
cách tốt hơn nhằm phát triển thị trường bền vững và bảo vệ nhà đầu tư. Nghị định
81/2020/NĐ-CP giúp thị trường sàng lọc được các nhà phát hành, loại bỏ các nhà
phát hành có năng lực tài chính yếu kém. Nghị định này cũng giúp tăng sự minh bạch
cho thị trường trái phiếu, nâng cao công tác báo cáo và giám sát thị trường.
Một
điểm đáng chú ý trong nghị định là quy mô phát hành riêng lẻ không thể quá lớn
so với quy mô vốn của doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp bảo vệ rủi ro cho
nhà đầu tư mà còn giúp chính bản thân doanh nghiệp phát hành không quá lệ thuộc
vào đòn bẩy tài chính.
Ngoài
ra, việc Nghị định 81 đề ra các yêu cầu chặt chẽ về công tác báo cáo sẽ giúp
tăng tính minh bạch của thị trường cũng như năng lực giám sát của các cơ quan
quản lý.
Chúng
tôi đánh giá cao các nhà quản lý đã có những bước đi đúng đắn, phù hợp để giúp
thị trường TPDN phát triển lành mạnh. Nghị định 81/2020/NĐ-CP có những yêu cầu
thay đổi căn bản cho các bên tham gia thị trường. Nội dung quy định trong Nghị
định 81 đã siết chặt hơn các điều hiện phát hành TPDN, qua đó phần nào đã “tạo
bộ lọc”, góp phần nâng cao hơn chất lượng TPDN phát hành ra thị trường.
Nhằm
giúp các công ty chứng khoán cũng như các bên tham gia thị trường thống nhất
cách hiểu để triển khai được đồng bộ, chúng tôi đề nghị cần có các khoảng thời
gian phù hợp để các bên tham gia thị trường kịp chuẩn bị cho các yêu cầu của
Nghị định 81.