Theo
ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Khối Thị trường vốn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT,
trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang nổi lên như kênh đầu tư mới thu hút lượng
tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác nhờ vào lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, trong
bối cảnh TPDN ở Việt Nam đang ở thời kỳ sơ khai, các dịch vụ đặc thù cho thị
trường (như xếp hạng tín nhiệm, đại diện người sở hữu trái phiếu, quản lý tài sản
bảo đảm, tư vấn luật) chưa phát triển đầy đủ, việc lựa chọn trái phiếu do các tổ
chức uy tín tư vấn phát hành là cần thiết để giúp nhà đầu tư giảm thiểu các rủi
ro khi đầu tư vào kênh TPDN.
Thưa
ông, ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của TPDN trong những năm gần đây?
Trong
những năm gần đây, TPDN đang nổi lên như kênh đầu tư mới thu hút lượng lớn nhà
đầu tư tham gia với đặc tính về rủi ro và lợi nhuận nằm ở mức giữa hai sản phẩm
phổ biến khác là cổ phiếu và tiền gửi ngân hàng. Trong thời gian qua, việc lãi
suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng giảm nhanh càng thúc đẩy nhiều nhà đầu tư
tìm đến với TPDN nhờ mức chênh lệch lãi suất đầu tư hấp dẫn, đồng thời góp phần
đa dạng hóa các tài sản đầu tư. Tại các thị trường phát triển, trái phiếu cũng
là một sản phẩm đầu tư phổ biến trên thị trường và có vai trò rất quan trọng
không kém cổ phiếu, do đó hoàn toàn có cơ sở kỳ vọng thị trường TPDN tại Việt
Nam sẽ tiếp tục có những đột phá trong tương lai.
Theo
ông, đâu là động lực chính tạo nên sự hấp dẫn của TPDN trong những năm gần đây
và kỳ vọng gì đối với ảnh hưởng của các động lực này đối với thị trường TPDN
trong tương lai?
Việc
phát triển thị trường TPDN là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển thị trường
tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Theo tôi, sự hấp dẫn của
TPDN đến từ 3 yếu tố:
Yếu
tố đầu tiên đến từ đối tượng các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này. Nhà đầu
tư tổ chức có thêm lựa chọn để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Trong khi
với số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân có hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm đầu
tư, xưa nay vẫn quen thuộc với tiền gửi ngân hàng, thì nay có thêm một kênh đầu
tư khác hiệu quả hơn so với gửi tiết kiệm và an toàn hơn so với các kênh đầu tư
rủi ro như vàng, chứng khoán, bất động sản.
Lãi
suất là yếu tố hấp dẫn tiếp theo khi các nhà đầu tư lựa chọn mua TPDN, đặc biệt
đối với khách hàng cá nhân. Nếu không tính trái phiếu của các ngân hàng thương
mại phát hành, lãi suất trung bình TPDN phát hành sơ cấp sẽ đạt khoảng 10% -
11,5%. Khi phân phối thứ cấp đến các nhà đầu tư cá nhân, lãi suất thực nhận đạt
trung bình khoảng 8% - 10%. Đây là mức lợi nhuận khá hấp dẫn, đặc biệt trong xu
hướng lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng giảm mạnh.
Thứ
ba là sự phát triển của công nghệ giúp khả năng tiếp cận mua TPDN của nhóm các
nhà đầu tư cá nhân trở nên dễ dàng hơn. Họ có thể thông qua các quầy giao dịch
tại các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán hoặc có thể đặt lệnh mua qua tài khoản
chứng khoán, qua ứng dụng internet banking. Mức tham gia tối thiểu cũng phù hợp
với đại đa số nhà đầu tư, chỉ từ vài triệu đồng.
Mặc
dù kênh TPDN đang hút vốn mạnh từ các nhà đầu tư, nhưng cũng có khá nhiều ý kiến
e ngại về rủi ro tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành và rủi ro thanh khoản do
trái phiếu thường có kỳ hạn dài. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế
nào?
Khi
thị trường TPDN phát triển đủ lớn, việc có một tổ chức xếp hạng tín nhiệm là điều
tất yếu. Tuy nhiên, thị trường TPDN ở Việt Nam đang ở thời kỳ sơ khai, các dịch
vụ đặc thù cho thị trường (như xếp hạng tín nhiệm, đại diện người sở hữu trái
phiếu, quản lý tài sản bảo đảm, tư vấn luật…) chưa phát triển đầy đủ, do vậy rủi
ro tiềm ẩn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân là không thể
tránh khỏi. Trong điều kiện thị trường hiện nay, việc lựa chọn trái phiếu do
các tổ chức uy tín tư vấn phát hành là cần thiết để giúp nhà đầu tư giảm thiểu
các rủi ro nêu trên.
Hiện
nay, trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020,
việc khối lượng và giá trị phát hành TPDN tăng vọt là phản ứng thông thường của
thị trường trước khi một quy định mới chặt chẽ hơn có hiệu lực. Đặc biệt là, điều
kiện khoảng cách giữa các đợt phát hành phải bảo đảm tối thiểu 6 tháng đã khiến
cho nhiều doanh nghiệp “quen mặt” trên thị trường phải thực hiện kế hoạch huy động
vốn trái phiếu sớm hơn dự kiến.
Với
vai trò là đơn vị tư vấn và phân phối TPDN, các công ty chứng khoán nói chung
và VNDIRECT nói riêng trong thời gian qua đã có những khuyến nghị gì đối với
các doanh nghiệp khi thực hiện phát hành TPDN; cũng như đã thực hiện những giải
pháp nào để bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đầu
tư vào TPDN?
Với
vai trò là đơn vị tư vấn, VNDIRECT luôn khuyến nghị khách hàng tuân thủ các quy
định pháp luật về phát hành TPDN và cố gắng thực hiện theo các thông lệ tốt
trên thị trường như công bố báo cáo tài chính định kỳ, lựa chọn tổ chức đại diện
người sở hữu trái phiếu uy tín, cập nhật thông tin hoạt động cho người sở hữu
trái phiếu...
Với
vai trò là đơn vị phân phối chào bán, chúng tôi thực hiện nhất quán theo đuổi mục
tiêu bảo đảm tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. Thứ nhất, VNDIRECT luôn lựa
chọn các doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu các ngành, có uy tín lớn để mang đến sự
lựa chọn an toàn nhất cho nhà đầu tư. Quá trình thẩm định, đánh giá tổ chức
phát hành được thực hiện bài bản trên nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau,
bao gồm tất cả các khía cạnh quan trọng về pháp lý, mô hình kinh doanh, tài
chính, kế hoạch sử dụng vốn, tài sản bảo đảm… VNDIRECT cũng có quy trình theo
dõi, đánh giá định kỳ về tổ chức phát hành sau các đợt phát hành và cung cấp
thông tin đánh giá này đến các nhà đầu tư. Thứ hai, về cấu trúc sản phẩm,
VNDIRECT cũng thiết kế với nhiều lựa chọn để phù hợp với khẩu vị đầu tư của đa
dạng các nhà đầu tư khác nhau. Thứ ba, VNDIRECT cũng đầu tư vào các nền tảng
giao dịch để nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về thị trường cũng
như thực hiện quản lý, đánh giá danh mục tài sản.